Tình Hình COVID-19 Ngày 7/4 Mỹ cán mốc hơn 10.000 người tử vong, Việt Nam có 245 ca nhiễm

Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới khiến hơn 1,3 triệu người nhiễm và gần 75.000 người tử vong. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến căng thẳng tại Mỹ và một số nước Châu Âu.

Tính đến 7h sáng nay (7/4), toàn thế giới đã ghi nhận 1.343.504 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 74.626 người đã tử vong và 278.211 người đã hồi phục, theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 gần như đã lan khắp mọi nơi trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Theo một thống kê của AFP, dịch bệnh đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của hơn 4 tỉ người trên toàn thế giới.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 7/4: Mỹ cán mốc hơn 10.000 người tử vong, Việt Nam có 245 ca nhiễm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (AFP).

Việt Nam: Sáng thứ 3 liên tiếp không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, trong vòng 24h qua, Việt Nam ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 lên 245, trong đó 95 người đã khỏi bệnh. Đây là buổi sáng thứ 3 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.

Trong tổng số 241 ca nhiễm, có 150 ca từ nước ngoài nhâp cảnh (chiếm 62,2%) và 91 ca lây nhiễm thứ phát. Đến nay, số ca âm tính lần 1 là 29 ca; số ca âm tính lần 2 là 23 ca, theo Bộ Y tế.

Ngoài ra, tính đến 6h sáng nay (7/4), có 85.295 người đang được cách li. Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 1.248 người (chiếm 1%); cách li tập trung tại cơ sở khác là 37.544 người (chiếm 44%); cách li tại nhà, nơi cư trú là 46.503 người (chiếm 55%). Dự kiến trong hôm nay, có 18 bệnh nhân sẽ được công nhận khỏi bệnh.

Đến nay đã có 31 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc; TP HCM; Khánh Hòa; Thanh Hóa; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Ninh; Lào Cai; Đà Nẵng; Huế; Quảng Nam; Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình.

Trên thế giới: Pháp ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao kỉ lục

Tính đến 7h sáng nay (7/4), Trung Quốc đại lục – ổ dịch đầu tiên và hiện chỉ là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.708 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.331ca tử vong. Các ca mới ghi nhận trong ngày tại quốc gia này chủ yếu vẫn là các ca nhập cảnh.

Bên ngoài Trung Quốc, Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 364.833 ca nhiễm và 10.859 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 28.160 và 1.243 ca so với một ngày trước đó.

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với hơn 131.000 ca nhiễm và 4.758 người tử vong. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tới hết ngày 29/4.

Dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đã ở mức 12% hoặc 13%, cao hơn mức cao nhất trong cuộc đại suy thoái.

Trong khi đó, Châu Âu vẫn tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19.

Cụ thể, Tây Ban Nha – ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 136.675 ca nhiễm và 13.3441 ca tử vong, tăng lần lượt 5.029 và 700 ca so với một ngày trước đó.

Chính phủ nước này cho biết đang lên kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người không có triệu chứng mắc COVID-19 nhằm nới lỏng dần lệnh phong tỏa.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới ngày 6/4 đã ghi nhận số ca nhiễm thấp nhất kể từ ngày 17/3. Tuy  nhiên, số ca tử vong đã tăng trở lại sau nhiều ngày liên tiếp giảm.

Trong vòng 24h qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 3.599 ca nhiễm và 636 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 132.547 và 16.523 ca.

Chính phủ Italy ngày 6/4 đã thông qua gói hỗ trợ kỉ lục lên tới 400 tỉ EURO (tương đương 430 tỉ USD) để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa toàn quốc.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 tại Châu Âu và lớn thứ 4 trên thế giới với 103.374 ca nhiễm, 1.810 ca tử vong; tăng lần lượt 3.251 và 226 ca so với một ngày trước đó.

Chính phủ Đức đang soạn thảo một loạt các biện pháp, trong đó có bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và nhanh chóng truy vết những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.

“Theo tôi, Liên minh châu Âu đang đối diện với thử thách lớn nhất kể từ lúc thành lập. Chúng ta đang gặp một thách thức y tế lớn ảnh hưởng tới tất cả quốc gia thành viên”, hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Pháp, ổ dịch lớn thứ 5 thế giới, hôm qua ghi nhận thêm 833 ca tử vong (mức tăng cao nhất kể từ đầu mùa dịch) và 5.171 ca nhiễm COVID-19 (tăng vọt), nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 8.911 và 98.010.

Đến sáng nay, Anh có thêm 3.802 ca nhiễm COVID-19 và 439 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 51.608 và 5.373 ca. Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Anh Boris Johnson chiều 6/4 đã phải vào phòng chăm sóc tích cực do tình trạng chuyển biến xấu đi sau một ngày nhập viện.

Iran là ổ dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á (sau Trung Quốc đại lục) với 60.500 ca nhiễm và 3.739 ca tử vong, tăng lần lượt 2.274 và 136 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, đây là ngày thứ 6 liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm.

Tại khu vực Đông Nam Á

Tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 3.793 ca nhiễm và 62 ca tử vong, tăng lần lượt 179 và 1 ca so trong vòng 24h qua. Số ca tử vong Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán COVID-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính sẽ đạt đỉnh vào tuần tới.

Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 3.660 ca nhiễm và 163 ca tử vong, tăng lần lượt 414 và 11 ca. Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết nhiều khả năng sẽ gia hạn phong tỏa trên đảo Luzon cho đến ngày 30/4.

Trong khi đó, Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 2.491 ca nhiễm và 209 ca tử vong; tăng lần lượt 218 và 11 ca so với một ngày trước đó.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn Hiệp hội Bác sĩ Indonesia cho biết đã có 24 bác sĩ nước này đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 51 ca nhiễm SARS-CoV-2 (giảm đáng kể) và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.220 và 26 ca.

Singapore tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 1.375 ca nhiễm và 6 ca tử vong do COVID-19. Trong vòng 24h qua, quốc gia này không ghi nhận thêm ca tử vong nào.